Đó là khẳng định của giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường và một số chuyên gia khác tại buổi tọa đàm chủ đề "Đầu tư BĐS nghỉ dưỡng: Cơ hội và rủi ro". Theo đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng gần đây liên tiếp được nhắc đến, các địa danh như Quảng Ninh, Quảng Bình, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc hay Quy Nhơn liên tiếp đón nhận các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước làm bùng nổ hàng loạt dự án lớn nhỏ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, phân khúc này có sức hấp dẫn lớn khi giá trị đầu tư vừa phải, thu hút dòng vốn nhàn rỗi. Đây cũng là sản phẩm đang được cam kết sinh lời an toàn và bảo toàn vốn bằng bất động sản. Ngoài ra, tính xã hội hóa và chuyên môn hóa cao trong vận hành khai thác và quản lý tài sản bất động sản cũng khiến loại hình này trở lên hấp dẫn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong 3 năm qua, bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh, với các nhà đầu tư lớn đổ tiền vào nhiều dự án. Một chủ đầu tư trong nước gần đây còn rao bán bất động sản cho người nước ngoài tại một hội thảo quốc tế. Theo ông Hiếu, đây là bước đi khá ấn tượng, cho thấy nhà đầu tư đã bước mạnh tới mức nào, họ đã bắt đầu hướng ngoại và rao bán trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, loại hình này vẫn còn nhiều vấn đề khiến bước tiến chưa mạnh như mong đợi, chẳng hạn condotel (căn hộ - khách sạn) - dòng sản phẩm nóng nhất trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng - có tiềm năng phát triển sôi động song vẫn còn nhiều rào cản về pháp lý, khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp boăn khoăn.
Bên cạnh đó, một trong những rủi ro lớn với các nhà đầu tư loại hình này chính là mức lợi nhuận thu được từ dự án có thể không đạt được mức mong muốn, ảnh hưởng đến lợi nhuận cam kết được đề ra. Ngoài ra, khi đầu tư vào loại hình này rất cần chú ý đến những ràng buộc pháp lý giữa các bên tham gia ngay từ đầu nên cũng gây ra không ít trở ngại, e dè cho nhà đầu tư.
Ông Rudolf Hever, Giám đốc khối Hotel châu Á của công ty Savills, cho biết đa phần các dự án đang chào bán hiện nay khá rầm rộ nhưng hầu như chúng chưa đi vào hoạt động và điều này khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Chủ đầu tư hay người mua, nhà đầu tư thứ cấp chưa nghĩ đến nhiều về vấn đề rủi ro của loại hình căn nhà thứ 2. Người mua thường mua các sản phẩm qua hình ảnh quảng cáo mà chưa nhìn nhận hết về loại hình đầu tư, dòng sản phẩm mà mình mua hình thành trong tương lai.
Việc cam kết lợi nhuận cũng là vấn đề cần quan tâm. Bởi, một khi các chủ đầu tư chạy đua cam kết lợi nhuận vô hình chung tạo nên một cuộc chạy đua trên thị trường khiến người mua rất khó xác định và chọn mua sản phẩm phù hợp giá trị thật.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng dù muốn hay không vẫn phải tiếp tục phát triển, dự báo trong 5 năm tới đây sẽ là lĩnh vực tăng trưởng khá nóng bởi "ăn theo" đà phát triển kinh tế đất nước. Vấn đề đối với loại hình BĐS này hiện nay là chúng ta chưa có một sự đánh giá, thống kê chuẩn xác thật sự có bao nhiều dự án đúng định nghĩa nghỉ dưỡng, bao nhiêu dự án bán nghỉ dưỡng hay tự gác mát để thu hút nhà đầu tư. Hiện nay, các thành phố biển đang trong tình trạng bội thực nguồn cung vì đâu đâu nhà đầu tư cũng tranh phần bằng nhiều dự án quy mô lớn với hàng trăm biệt thự biển và condotel, trong khi thị trường này phụ thuộc rất lớn vào mùa du lịch hàng năm.
"Chính vì thế mà có những khách sạn không còn chỗ ở, trong khi một tòa nhà nằm ngay bên cạnh lại vắng khách. Tại Phú Quốc cũng đang diễn ra tình trạng có nơi hoạt động rất nhộn nhịp nhưng có khu vực nhiều khách sạn nghỉ dưỡng hạng sang phải tung nhiều chiêu câu khách nhưng liên tục phải bù lỗ", GS. Võ nói thêm.
Quan trọng hơn, cũng theo GS. Võ, ngành du lịch Việt Nam còn biểu hiện thiếu bền vững. Nhiều khách du lịch lắc đầu với câu hỏi có quay lại không. Việt Nam chưa làm được như những nước có thị trường bất động sản du lịch phát triển khác như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... dù lợi thế của chúng ta rất lớn. Ngoài các di sản độc đáo, thì chúng ta chưa tạo ra những yếu tố khác có thể hút khách du lịch nước ngoài.
Ngoài ra, Ở Việt Nam luôn diễn ra tâm lý đám đông, hễ thấy nhiều người lao vào một nơi nào là lập tức nhiều người khác lao theo mà không hề nắm bắt bất kỳ thông tin gì về dự án và chủ đầu tư. Đây là cách tư duy đầu tư thiếu chuyên nghiệp dẫn đến việc chính khách hàng tự tạo ra các đợt nóng sốt trên thị trường.
GS. Võ đặt vấn đề: "Vậy làm gì? Bản thân tôi ủng hộ việc đất phi nông nghiệp thì nên chuyển sang sử dụng vô thời hạn, đây là cách thức phát triển tốt cho Việt Nam, tạo điều kiện tốt hơn cho việc làm giàu. Tôi ủng hộ tạo điều kiện để bất động sản nghỉ dưỡng được xem là đất sử dụng vô thời hạn".
Theo vị chuyên gia này, các hiệp hội bất động sản cần chung tay để có số liệu tốt và cơ quan nhà nước cũng đóng góp để xây dựng cơ sở dữ liệu tốt hơn để thị trường phát triển bền vững. Nếu xảy ra khủng hoảng trong phân khúc nghỉ dưỡng thì thiệt hại cho các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư thứ cấp và cả Nhà nước là rất lớn. Qua đó phát huy lợi ích lâu dài mà phân khúc này có thể mang lại.
"Chúng tôi nhấn mạnh, chủ đầu tư thay vì chay đua theo dám đông, phong trào tạo nên sự dư thừa cung thì nên tập trung vào các mô hình sản phẩm phù hợp thực tế nhu cầu thị trường. Chẳng hạn mô hình giới hạn dịch vụ, khi đi du lịch người dân họ chỉ cần đơn giản là giường để ngủ, không cần quá nhiều thứ. Do đó, các mô hình mới, phù hợp nhu cầu thực người dân là quan trọng", ông Hever gợi ý thêm.
Theo Cafef
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét