Làm giàu từ nghề môi giới BĐS liệu có dễ?
Môi giới bất động sản (BĐS) đang trở thành nghề hot do hoa hồng lớn, thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt khi thị trường đang sôi động như hiện nay. Tuy nhiên, việc làm giàu từ nghề môi giới BĐS không hề dễ dàng.
Nhiều người vẫn rỉ tai nhau rằng “muốn làm giàu nhanh mà không cần vốn thì hãy làm môi giới BĐS” mặc dù nhân viên môi giới không có lương cứng, chỉ được trợ cấp xăng xe. Thu nhập chính của nhân viên môi giới là tiền hoa hồng của mỗi thương vụ thành công. Tùy công ty, phí hoa hồng này khoảng 0,5-2% trên giá trị BĐS. Tính ra, mỗi tháng, nếu nhân viên môi giới bán thành công 1 căn nhà trị giá 1 tỷ đồng, với mức hoa hồng 0,5-2% thì sẽ nhận được 5-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, làm nghề môi giới BĐS không hề dễ dàng.
Không tính một số môi giới có nghề, sở hữu tập khách hàng tốt, thì phần lớn những nhân viên môi giới khác, đặc biệt là những nhân viên mới vào nghề đều rất chật vật, dù thị trường khá sôi động.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, ở những quốc gia khác, mấu chốt thành công của nghề môi giới BĐS đến từ chính sản phẩm. Trước khi tiếp cận đối tượng để đàm phán chào bán dự án, hầu hết môi giới viên đều dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, đánh giá sản phẩm và khảo sát khách hàng.Để bán được sản phẩm, đủ định mức, các nhân viên môi giới phải tỏa đi khắp nơi, dùng mọi phương pháp để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, nhiều nhân viên môi giới bị động khi tiếp cận khách hàng mục tiêu do không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ và dự án.
Trong khi đó, tại Việt Nam, dù mới vào nghề, không được đào tạo bài bản, nhiều nhân viên môi giới đã phải đi chào bán dự án. Họ cũng chỉ nắm thông tin qua các môi giới khác. Nhiều môi giới viên còn chủ yếu dành thời gian để đi phát tờ rơi, hay ngồi nhà gọi điện thoại chào mời những khách hàng có sẵn trong danh sách của công ty.
Chúng tôi đã từng nhận được không ít cuộc gọi từ các nhân viên môi giới để chào bán căn hộ với những lời lẽ dập khuôn như tiện ích phù hợp, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, khi được hỏi lại là có những tiện ích nào và ra sao, thì môi giới "tậm tịt". Ngay cả thông tin về những tuyến đường đi vào dự án, các nhân viên này cũng gần như không biết, mà chỉ nói rằng khi hoàn thiện sẽ có tuyến đường nối từ trục chính vào dự án hay chủ đầu tư đang xin thủ tục mở rộng đường vào dự án… (!?).
Chính sự thiêu chuyên nghiệp của những nhân viên môi giới này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề môi giới BĐS nói chung, vốn là một nghề quan trọng trong lĩnh vực BĐS.
Hình ảnh của nghề môi giới BĐS không chỉ bị làm xấu đi do những nhân viên thiếu chuyên nghiệp, hoạt động như những “cò” BĐS tự do mà còn bởi tình trạng nhân viên môi giới, thậm chí là cả sàn môi giới “kê giá ăn chênh lệch” tiền từ khách hàng.
Nghề môi giới có bản chất là nghề “phục vụ” và thù lao được hưởng là tiền hoa hồng trong hợp đồng môi giới theo luật định với người bán. Tuy nhiên, vì ham lợi nhuận cao, một số môi giới đã cố tính kê giá, đẩy giá lên cao hơn so với giá của chủ đầu tư để kiếm lời.
Không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của nghề môi giới, việc làm này còn ảnh hưởng chung tới sự phát triển bền vững của thị trường BĐS, bởi nó đã khiến khách hàng mất lòng tin.
Phó chủ tịch CENGroup Phạm Thanh Hưng cho biết, hiện nay, một số chuyên viên môi giới yêu nghề, cầu thị thật sự mới ý thức được sự thành công trong nghề là không hề dễ dàng. Họ luôn không ngừng học hỏi để phát triển và luôn cố gắng hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được điều đó. Còn rất nhiều người nhận thức sai về nghề này, khiến trình độ của môi giới BĐS Việt Nam kém xa đồng nghiệp ở các nước trong khu vực.
(Theo Báo Đầu tư Online)